Khám phá chùa Thiên Mụ – điểm đến không nên bỏ qua khi tới Huế
Toạ lạc tại vị trí đẹp sát bên bờ sông Hương thơ mộng. Chùa Thiên Mụ có rất nhiều du khách đến tham quan. Chùa mang nhiều ý nghĩa lịch sử cùng những công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với nó. Hãy cùng Elephant Travel khám phá nhé !
Tóm tắt nội dung bài viết
1. Lịch sử của chùa Thiên Mụ:
1.1 Thời gian xây dựng và ban đầu mang tên gì
Trên đỉnh đồi Hà Khê, trước khi xây dựng chùa Thiên Mụ thì nơi đây cũng đã có một ngôi chùa của người Chăm, tên là Thiên Mỗ (Thiên Mẫu).
Theo lời kể của người dân, khi chúa Nguyễn Hoàng vào nhận chức Trấn thủ xứ Thuận Hóa và Quảng Nam thì ông đã tự minh đi xem xét kỹ lưỡng địa thế khu vực này để phục vụ cho mục đích mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn mới cho dòng họ Nguyễn. Trong một lần cưỡi ngựa dọc bờ sông Hương, ông vô tình nhìn thấy một ngọn đồi nhỏ, có hình dáng như một con rồng đang quay đầu nhìn lại, đó chính là đồi Hà Khê. Một điều trùng hợp là vào ban đêm, thường có một bà lão mang áo đỏ, quần lục xuất hiện ở khu đồi, liên tục nói với người dân rằng: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Để thỏa ước nguyện của người dân, cũng như của chính mình, vào năm 1601, Nguyễn Hoàng đã cho dựng ngôi chùa tại đây, lấy tên là Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất xứ Huế (Ảnh: sưu tầm)
1.2 Sự phát triển và mở rộng sau đó
Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả Đại Hồng Chung (cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 2.052kg). Năm 1715, Chúa lại cho xây dựng thêm một tấm bia đá thanh cao 2,6m, rộng 1,25m đặt trên lưng một con rùa làm bằng đá cẩm thạch dài 2,2m, rộng 1,6m
Hai công trình kiến trúc chính của chùa là Tháp Phước Duyên và Điện Đại Hùng. Tháp Phước Duyên hình bát giác cao 7 tầng, 21m, mỗi tầng thờ một đức Như Lai, tầng cao nhất thờ Đức Thế Tôn; Điện Đại Hùng là ngôi điện chính trong chùa, có kiến trúc nguy nga đồ sộ; ngoài bức tượng Phật bằng đồng trong điện còn có vô số tượng và một khánh đồng đúc năm 1677; một bức hoành phi bằng gỗ được sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714.
Vẻ đẹp của chùa Thiên Mụ bên dòng sông hương. Ảnh Sưu tầm
Từ ngày xây dựng cho đến nay ngôi chùa đã được trùng tu 8 lần (1665, 1714, 1815, 1831, 1844, 1899, 1907, 1957). Qua những lần trùng tu, ngôi chùa vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghiêm, huy hoàng, tráng lệ.
Di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia (Kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 1964-QĐVH/TT ngày 27/8/1996 của Bộ Văn hóa và Thông tin.
2. Kiến trúc và cảnh quan của chùa Thiên Mụ:
2.1 Đình Hương Nguyên
Đình Hương Nguyên được xây vào thời vua Thiệu Trị, tọa lạc ở trước tháp Phước Duyên. Ngày trước, đình Hương Nguyên là một công trình có quy mô hoành tráng với lối kiến trúc độc đáo.
Tuy nhiên, một cơn bão đổ bộ vào Huế năm 1904 đã làm cho đình bị hư hỏng nặng. Sau đó, đình đã được tu bổ, phục hồi lại để phục vụ du khách đến tham quan.
2.2 Tháp Phước Duyên – biểu tượng của chùa Thiên Mụ
Nhắc đến chùa Thiên Mụ, không ai là không biết đến tháp Phước Duyên. Tháp được xây dựng vào năm 1984, có tổng cộng 7 tầng với chiều cao lên đến 21m. Mỗi tầng tháp đều được đặt tượng Phật.
Tháp Phước Duyên (Ảnh: sưu tầm)
Hai bên tháp có hai tấm bia cổ được làm bằng đá, bên trên khắc thơ của vua Thiệu Trị. Đi vào sâu bên trong là hai ngôi nhà hình lục giác và gác chuông thờ Quốc chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu.
2.3 Cổng Tam Quan
Trước khi vào chùa, bạn sẽ bắt gặp cổng Tam Quan đầu tiên. Cổng có 3 lối đi, tượng trưng cho 3 giới: Nhân – Thần – Quỷ. Công trình này gồm có 2 tầng và 8 mái. . Cửa ở đây đều được làm bằng gỗ son đỏ, vô cùng chắc chắn và kiên cố. Xung quanh cổng được đặt những bức tượng thần Hộ Pháp giúp bảo vệ sự bình yên cho ngôi chùa, tạo nên vẻ uy nghiêm cho cổng Tam Quan.
Cổng Tam Quan chùa Thiên Mụ (Ảnh: sưu tầm)
2.4 Điện Đại Hùng
Điện Đại Hùng là chính điện của chùa Thiên Mụ, sau nhiều lần tu sửa, ngôi điện này sở hữu kiến trúc vô cùng nguy nga, tất cả cột, rường, kèo, bệ,… đều được xây lại bằng nguyên liệu là bê tông, sau đó phủ thêm một lớp sơn giả gỗ bóng bẩy, đẹp mắt. Bên cạnh tượng Phật Di Lặc đặt bên trong điện, ở đây còn có tượng Phật bằng đồng và một pho tượng lớn có khắc hình mặt nguyệt.
Điện Đại Hùng (Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Theo lời kể của chúng sinh, vị phật này có tai to để lắng nghe nỗi khổ của con người, bụng to để bao dung sai lầm của con người và miệng to để cười thiên hạ. Ngoài ra, trong điện còn lưu giữ nhiều bảo vật cổ như: bức hoành phi câu đối, chiếc chuông đồng nặng gần 3 tấn hay chiếc xe xe của hòa thượng Thích Quảng Đức – Người có công lớn trong chùa.
2.5 Điện Địa Tạng
Công trình này nằm ngay sau điện Đại Hùng, phân cách hai khu vực này là một khoảng sân rộng lớn, phủ đầy cây xanh. Điện Địa Tạng được xây dựng vào năm 1907 với nhiều chi tiết chạm trổ vô cùng độc đáo. Điện để thờ Quan Công, tín ngưỡng này có ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Hoa. Theo quan niệm của người dân, Quan Công rất thiêng, tỏ tường âm dương, có thể đoán trước được sự việc trong tương lai tốt xấu ra sao
Điện Địa Tạng (Nguồn ảnh: Sưu tầm)
2.6 Điện Quan Âm
Ngôi điện này là công trình cuối cùng trong chùa. Với lối kiến trúc không quá đặc biệt, hoa văn được chạm trổ đơn giản, trong điện Quan âm có thờ tượng Quan Thế âm Bồ Tát được đúc bằng đồng đen, bên trên là bức hoành phi. Hai bên là tượng Điện Vương. Ở phía dưới là bức tượng đá được lưu giữ trong tủ kính, có hình dáng uyển chuyển, mềm mại, với ngón tay thon dài.
Tuy không gian chùa không quá rộng lớn, nhưng chắc hẳn bất cứ ai đã có duyên ghé thăm chốn này đều sẽ vấn vương mãi không muốn rời.
2.7 Khu mộ chôn cất, tôn thờ trụ trì Thích Đôn Hậu
Cuối khuôn viên chùa Thiên Mụ Huế có một khu mộ, là nơi chôn cất chủ trì của chùa – Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Ông là người đã đóng góp công lao to lớn cho sự phát triển của nền Phật giáo Việt Nam. Cuộc đời của ông gắn liền với những hoạt động ý nghĩa, đã giúp biết bao nhiêu người vượt qua khó khăn, gian khổ, chữa lành tâm hồn cho những ai đang gặp bế tắc trong cuộc sống.
Không gian xanh nơi khu mộ chôn cất trụ trì Thích Đôn Hậu (Ảnh: sưu tầm)
2.8 Đồi Hà Khê – tọa độ check in, ngắm sông Hương siêu đỉnh
Ghé thăm chùa Thiên Mụ Huế, bạn không thể nào bỏ qua trải nghiệm check in đồi Hà Khê, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Đồi Hà Khê khiến du khách mê đắm khi có view sông Hương tuyệt mĩ, xung quanh được bao bọc bởi những hàng cây xanh rì.
Toàn cảnh đồi Hà Khê nhìn từ trên cao (Ảnh: sưu tầm)
Đứng từ đồi Hà Khê, bạn có thể ngắm nhìn những con thuyền đang miệt mài ngược xuôi dưới dòng sông êm ả, xa xa là cánh rừng thông cao chót vót, tạo nên bức tranh phong cảnh bình yên, đẹp đến nao lòng. Nếu có thời gian, bạn hãy nán lại một chút để đón hoàng hôn trên đồi Hà Khê, chiêm ngưỡng không gian kỳ vĩ, phảng phất nét buồn – một đặc trưng của xứ Huế mộng mơ.
3. Thực hư những lời nguyền xoay quanh chùa Thiên Mụ Huế
Xoay quanh về chùa Thiên Mụ còn có một sự tích kỳ lạ được tương truyền như sau: Ngày xưa, có tiểu thư là con của một vị quan lớn, nhưng lại đem lòng yêu chàng trai nghèo, mô côi. Vì không môn đăng hộ đối nên tình cảm của hai người bị gia đình cô gái cấm cản. Vì không thể thay đổi được số mệnh, hai người đã cùng nhau tự vẫn ở bến thuyền nằm trước chùa Thiên Mụ. Nhưng sau đó, cô gái lại trôi dạt vào bờ và được người dân cứu mạng, còn chàng trai thì đã mất ở dưới dòng sông Hương. Thời gian dần qua đi, cô gái cũng đã quên đi chàng trai năm xưa, khiến chàng oán hận, nhập vào chùa Thiên Mụ và lập lời nguyền, mọi đôi trai gái nếu đến chùa đều sẽ phải chia tay.
Đó chính là lý do vì sao, rất ít cặp đôi đang yêu nhau đến du lịch chùa Thiên Mụ, mặc dù đây chỉ là câu chuyện được truyền miệng trong dân gian.
Nhắc tới sự tích chùa Thiên Mụ Huế, trụ trì tại đây cho biết rằng: thực tế, đây là câu chuyện được thêu dệt để răn đe các cặp đôi yêu nhau lợi dụng góc khuất trong chùa để làm những chuyện ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và thanh tĩnh.
Vì vậy, lời nguyền này hoàn toàn không có thật. Tuy nhiên, cũng muốn nhắn nhủ tới mọi người khi đến tham quan cần có thái độ lịch sự, trang nghiêng để không làm mất đi hình ảnh và giá trị đẹp của chùa Thiên Mụ Huế
4. Giá vé tham quan chùa Thiên Mụ Huế
Nếu bạn đang lên kế hoạch chi tiêu dự phòng cho chuyến đi du lịch Huế này mà không biết giá vé tham quan chùa Thiên Mụ bao nhiêu thì đừng lo! Chùa mở cửa tự do cho tất cả các ngày trong tuần để phục vụ du khách, Phật tử tham quan và vãng cảnh.
5. Kinh nghiệm du lịch tại chùa Thiên Mụ:
Một số kinh nghiệm và lưu ý cần biết khi du lịch chùa Thiên Mụ Huế:
- Mặc trang phục lịch sự, kín đáo.
- Không cười đùa, gây ồn ào, chen lấn, xô đẩy. Có ý thức giữ trật tự để đảm bảo sự thanh tịnh, uy nghiêm của chùa.
- Chuẩn bị các vật dụng cần thiết như nón, kính râm, ô che nắng,… để bảo vệ làn da, nước uống.
- Vứt rác đúng nơi quy định.
- Bên trong chùa có các gian hàng bán các mặt hàng lưu niệm, ví dụ: nón lá, trang sức, áo dài,… Bạn có thể ghé đây để mua quà về tặng người thân, bạn bè.
Sau khi tham quan chùa Thiên Mụ Huế xong, chắc hẳn chiếc dạ dày của bạn sẽ cần lấp đầy để nạp lại năng lượng. Ở gần chùa có rất nhiều quán ăn ngon, chuyên bán các món đặc sản của Huế như: bánh bèo, nậm, lọc; bún bò Huế; chè Hẻm – Hùng Vương, bánh canh cua,…hoặc 1 chén tào phớ (đậu hũ) ngay dưới chùa bên lề sông Hương.
Cảm giác thưởng thức chén đậu hũ dưới chân chùa Thiên Mụ, ngắm hoàng hôn buông trên sông Hương làm cho ta thật sự thoải mái. (Ảnh Sưu tầm)
Trong vô vàn địa điểm du lịch nổi tiếng, chùa Thiên Mụ Huế luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ du khách. Có thể là vì cảnh quan đẹp, cũng có thể vì những câu chuyện bí ẩn thú vị liên quan đến ngôi chùa này. Nhưng dù vì lý do gì, chùa Thiên Mụ vẫn xứng đáng là điểm tham quan hàng đầu mỗi khi nhắc tới mảnh đất cố đô.
6. Hướng dẫn tham quan chùa Thiên Mụ Huế
6.1. Đường đi đến chùa Thiên Mụ
Để có cơ hội ngắm nhìn hình ảnh chùa Thiên Mụ Huế sừng sững bên dòng sông Hương, từ Kinh thành Huế, bạn đi qua đường Đặng Thái Thân rồi rẽ trái qua đường Yết Kiêu. Đi thêm một đoạn nữa, rẽ trái qua đường Lê Duẩn. Gặp vòng xuyến rồi rẽ phải vào đường Kim Long. Tiếp tục đi thêm 2km nữa là tới nơi rồi
6.2. Cách di chuyển đến chùa Thiên Mụ
Du lịch Huế rất phát triển. Vì vậy, có rất nhiều dịch vụ di chuyển mà bạn có thể sử dụng. Chẳng hạn như:
- Xe máy: các địa điểm du lịch Huế cách nhau không quá xa. Với việc di chuyển bằng xe máy, bạn sẽ chủ động hơn về điểm đến cũng như thời gian. Bạn có thể thuê dịch vụ xe máy theo ngày tại khách sạn nơi bạn ở. Với giá thuê dao động từ 80.000 – 150.000 VNĐ/ngày.
- Taxi: chỉ cách trung tâm TP 5km, vì vậy di chuyển tới chùa Thiên Mụ Huế bằng Taxi cũng là một ý tưởng không quá tồi. Vừa rẻ lại vừa tiết kiệm thời gian. Trước khi thuê Taxi bạn nên tham khảo bảng giá dịch vụ Taxi tại Huế để tránh bị đắt nhé!
- Xe ôm: nếu tay lái bạn còn yếu, mà lại không thích ngồi xe taxi thì thuê xe ôm di chuyển tới chùa Thiên Mụ cũng rất hợp lý. Đặc biệt, dịch vụ taxi công nghệ ở Huế cũng rất phát triển. Không quá mất nhiều thời gian để chờ và bắt được xe đâu !
- Xe du lịch: Khi thuê xe du lịch, bạn có thể chọn loại xe phù hợp với nhu cầu của mình và đảm bảo an toàn hơn khi di chuyển. Bạn tự do di chuyển và tham quan địa điểm theo ý muốn của mình. Elephant Travel sẽ cung cấp cho bạn dịch vụ cho thuê xe du lịch an toàn – uy tín – chất lượng, hãy liên hệ ngay với chúng tôi !
Danh mục
- Dịch vụ cho thuê xe du lịch
- Du lịch
- Giải đáp Du lịch
- Khám phá du lịch
- Khám phá vùng miền
- Kinh nghiệm chuyến đi
- Tất cả về xe
- Tin tức du lịch
- Vé xe open tour, open bus