Với một chiếc xe máy cùng tấm bản đồ đã đánh dấu những điểm cần đến là du khách đã có thể sẵn sàng cho một ngày thăm thú mảnh đất Ninh Thuận quanh năm nắng gió.
Có thể bạn cũng quan tâm:
- Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của hải đăng Mũi Dinh
- Những thành phố quyến rũ nhất Việt Nam
- Bánh tráng chấm mắm ruốc ở Phan Thiết cho người mê ăn vặt
Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể bỏ bớt một vài điểm và tập trung vào các điểm chính nổi bật.
6h00: Vẫy vùng trong sóng biển Cà Ná
Sau khi đã ăn một bữa sáng với bánh canh chả cá ngon lành, tranh thủ lúc cái nắng còn chưa kịp nung chảy những con đường, hãy chạy xe về biển Cà Ná, nằm cách thành phố Phan Rang 30 km về phía Bình Thuận. Thời tiết dọc con đường biển thật dễ chịu với những cơn gió mát lành từ biển thổi về. Biển Cà Ná cong hình lưỡi liềm dài khoảng 3 km, nước biển xanh ngắt một màu và sâu thẳm. Du khách chỉ được phép bơi ở gần bờ vì bãi cát ở biển Cà Ná khá sụt và có nhiều đá ngầm.
Nếu may mắn đến trúng mùa làm muối, bạn sẽ có một buổi tìm hiểu về kho muối lớn nhất cả nước với hơn một ngàn hecta trải dài theo bãi biển. Mỗi ô muối rộng hàng chục hecta và có nồng độ tốt nhất Đông Nam Á.
10h00: Tự tay nặn gốm trong làng gốm cổ nhất Đông Nam Á
Chỉ cách thành phố vài km là làng gốm Bàu Trúc, nơi những người dân vẫn giữ cách làm đồ gốm riêng có của mình. Đất sét sông Quao trộn với cát đặt lên bàn, những sản phẩm dần hiện ra sau một lần người thợ đi vòng quanh bàn nặn. Khi người thợ dừng xoay cũng là lúc sản phẩm được hoàn thành. Đơn giản và thô mộc nhưng hấp dẫn khách khắp nơi. Người ta dùng khăn thấm nước tạo bề mặt nhẵn. Các sản phẩm làm xong đều mang màu nâu đỏ tự nhiên của đất: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu đầy màu sắc của nền văn hóa Chămpa.
11h00 sáng: Trượt đồi cát Nam Cương
Cách Phan Rang không xa, đồi cát Nam Cương với những dải cát mềm như lụa tuyệt đẹp nhưng vẫn chưa được khai thác du lịch nhiều. Để đến đồi cát, bạn phải hỏi kỹ đường, đi qua những bản làng người dân tộc Chăm vẫn còn giữ nguyên cách ăn mặc truyền thống. Nếu may mắn gặp những người dân đang lùng bắt dông trên cát, bạn có thể sẽ được mời về nhà thưởng thức món thịt dông đặc biệt của vùng đất này. Người Ninh Thuận chế biến 7 món thịt dông: nướng, rô ti, hấp, chả, gỏi, cháo và dông nấu dưa hồng, món nào cũng ngon.
13h30: Thỏa sức ăn nho
Trên đường đến với tháp Chàm, bạn sẽ đi qua rất nhiều vườn nho. Thời tiết khô hanh của đất Phan Rang Ninh Thuận, khiến những trái nho chín mọng và ngọt lịm. Nho làm rượu, mật ong từ hoa nho và cả rượu ong là những sản phẩm trong túi xách của khách du lịch muôn phương khi đi qua vùng đất này. Bạn cũng có thể mua vài chùm mang theo ăn đường.
14h30: Chiêm ngưỡng tháp Chăm Po Klong Garai
Cụm tháp Pôklông Garai được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII – đầu thế kỷ XIV với ba tòa tháp: Tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính. Các tòa tháp được chạm khắc bằng nhiều họa tiết như chiếc lá, đuôi rồng, hình người…phản ánh sinh động tôn giáo của người Chăm. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII trong vương triều vua Simhavarman III (Chế Mân) thờ vua Po Klaong Garai (1151 – 1205). Nét đặc trưng của Po Klong Garai là tháp còn nguyên vẹn và là cụm tháp đẹp nhất trong những tháp Chăm còn tồn tại đến nay.
16h30: Đen giòn Ninh Chữ
Nằm cách thành phố Phan Rang 5 km, bãi biển Ninh Chữ có bờ cát trắng hình cung dài 10 km là một trong 9 bãi biển đẹp nhất không chỉ Ninh Thuận mà còn với cả nước. Nước Biển Ninh Chữ trong, sóng nhẹ và không quá đông khách du lịch nên không ồn ào. Sau một ngày vã mồ hôi với nắng và gió đất Phan Rang Ninh Thuận, đây là lúc nghỉ xả hơi, bạn có thể tận hưởng những làn sóng biển mát mẻ, ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp và thưởng thức các món hải sản ngon ngay trên bãi biển.
20h00: Về lại Phan Rang
Thành phố Phan Rang nhỏ và không có nhiều điểm chơi về đêm. Sau khi về lại thành phố, bạn có thể đi ăn các món ngon tại chợ Phan Rang, café trong phố.
Hân Hân