Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước sẽ giúp giá xe lắp ráp rẻ hơn nhập khẩu từ 2018.
Bộ Công Thương mới đây đề xuất các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ôtô, trong đó đáng chú ý nhất là thay đổi cách đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm ưu đãi tối đa cho xe sản xuất trong nước, tạo lợi thế với xe nhập khẩu. Cơ quan này đề nghị “không đánh thuế TTĐB với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước”. Theo các chuyên gia trong ngành, khi có hiệu lực, chính sách này sẽ khiến thị trường trong nước xoay chuyển khó lường.
Có thể bạn cũng quan tâm:
- Xe tự lái Google không phải đối thủ của Tesla
- Hyundai Santa Cruz – bán tải mới từ Hàn Quốc
- Toyota Highlander 2016 bản giới hạn về Hà Nội
Bộ Công Thương sẽ ban hành quy định xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước với ôtô. Phần gia tăng trong nước này bao gồm linh kiện nội địa hóa, công lao động, khấu hao máy móc, nhà xưởng… Hãng nào sử dụng càng nhiều linh kiện trong nước, đầu tư máy móc hiện đại càng có lợi.
Cách đánh thuế mới giúp xe lắp ráp trong nước giảm giá đáng kể so với hiện nay. Giả sử một xe có giá trị khoảng 400 triệu mà phần giá trị tạo ra trong nước là 200 triệu, chịu mức thuế TTĐB là 50%. Theo chính sách hiện nay, khoản thuế TTĐB phải đóng là 400 x 50% = 200 triệu. Nhưng theo cách tính mới, khoản này chỉ là 200 x 50% = 100 triệu, vì phần 200 triệu không phải chịu thuế.
Chỉ sau thuế TTĐB, giá xe đã giảm khoảng 100 triệu, chưa tính tiếp ảnh hưởng của mức giảm này lên các khoản thuế phí tính chồng tiếp theo là VAT, chi phí bán hàng, marketing, thu nhập doanh nghiệp, phí trước bạ… giúp xe giảm thêm hàng chục triệu nữa.
Đại diện một hãng xe lắp ráp trong nước hồ hởi cho biết, “nếu Chính phủ đồng ý với quyết sách này, chúng tôi sẽ đưa ngành công nghiệp ôtô sang trang sử mới”. Vị này tự tin ưu đãi dành cho xe lắp ráp như vậy sẽ khiến xe nhập khẩu phải điêu đứng, dù mức giá nhập từ Asean có về 0% vào 2018.
Giả sử hai mẫu xe cùng phân khúc, xe A sản xuất ở Việt Nam, xe B sản xuất tại Thái Lan, cả hai cùng có giá trước thuế là 400 triệu, giá trị gia tăng tạo ra trong nước của A là 200 triệu. Cách tính sau đây cho thấy sự khác biệt về giá của hai xe vào 2018.
(1) Giá sau thuế nhập khẩu: A = B = 400 triệu, vì A là xe lắp ráp, B chịu thuế nhập khẩu 0%.
(2) Giá sau thuế TTĐB: giả sử hai xe chịu mức thuế 45%.
- Giá B = 400 + 400 x 45% = 580 triệu.
- Giá A = 400 +200 x 45% = 490 triệu.
(3) Giá sau VAT:
- Giá B = 580 + 580 x 10% = 638 triệu.
- Giá A = 490 + 490 x 10% = 539 triệu.
Như vậy, chỉ sau 3 loại thuế cơ bản, giá xe nhập khẩu đã cao hơn giá xe lắp ráp trong nước 100 triệu. Nếu tính thêm các chi phí khác và lợi nhuận doanh nghiệp, giá tới tay khách hàng có thể chênh nhau gần 150 triệu.
Xe lắp ráp còn có cơ hội gia tăng khoảng cách giá hơn nữa với xe xuất khẩu. Bởi lẽ chính sách miễn thuế cho phần giá trị trong nước cũng là một cơ sở để thuyết phục các hãng sản xuất phụ tùng đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Các điều kiện cần và đủ như thị trường đang tăng trưởng nhanh, quy mô bán hàng đủ lớn, giảm thuế linh kiện… khi hội tụ sẽ tạo động lực để phát triển công nghiệp phụ trợ, nền tảng để tăng giá trị hình thành nội địa của xe lắp ráp.
Giám đốc bán hàng một hãng lắp ráp khác lại cho rằng, đề xuất này của Bộ Công Thương không hề bất ngờ. Đứng trước nguy cơ xe nhập khẩu từ Asean tràn vào Việt Nam trong 2018, các cơ quan quản lý sẽ có những tác động phù hợp để một phần đảm bảo nguồn thuế cho ngân sách, mặt khác bảo hộ sản xuất trong nước.
“Tất cả những chính sách mới, sẽ không cái nào có lợi cho xe nhập khẩu”, vị này dự đoán.
Trong khi đó, các hãng liên doanh có nhiều xe nhập khẩu lại rơi vào thái cực khác, họ lo lắng, thậm chí hoang mang. Có hãng từng có ý định chuyển xe từ lắp ráp sang nhập khẩu, nay cần xác định lại chiến lược, bởi một khi chuyển sang nhập khẩu, là sẵn sàng đối mặt với nhiều chướng ngại vật, giá xe khó giảm.
Ngoài miễn thuế cho phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước của mỗi mẫu xe, Bộ Công Thương dự định còn giảm thuế TTĐB cho xe lắp ráp trong nước, tức thêm một tầng ưu đãi nữa cho thuế TTĐB. Bên cạnh đó còn có điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện, thu hút đầu tư nước ngoài tập trung vào các dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại ASEAN, một ưu đãi lớn cho Trường Hải và Hyundai Thành Công.
Thuế nhập khẩu về 0% những tưởng là cơ hội vàng cho xe nhập khẩu, nay dần trở thành đòn bẩy, cho những nỗ lực của xe lắp ráp trong nước. Với khách hàng Việt, sau tất cả những thuế, phí mang tính vĩ mô, điều họ quan tâm nhất, là liệu khi mua, giá xe có thực sự giảm, hãy vẫn chịu những hàng rào đăng ký, đăng kiểm khác.
Đức Huy
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/de-xuat-thue-moi-co-hoi-giam-gia-xe-lap-rap-trong-nuoc-3600758.html