Nằm ẩn mình giữa núi rừng của miền Thượng Lào và dòng Mekong hùng vĩ, Luang Prabang (Luông Pha Băng) chào đón du khách phương xa bằng sự mát lành và duyên dáng. Đến đây bạn sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ đỉnh Phousi sau vài phút leo bộ, mua sắm đồ lưu niệm ở chợ đêm hoặc rời trung tâm khoảng 30 km để hòa mình vào dòng thác Kuang Si mát rượi.
Chúng tôi đến Pakse, thủ phủ của tỉnh Champasak và vùng Nam Lào nhiều lần, nhưng mỗi lần lại có thêm một cảm nhận mới về vùng đất quyến rũ này bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng trước hết là vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi của địa danh này.
Từ Vientiane đến Pakse khoảng 700km, nếu đi bằng máy bay mất hơn 1 tiếng, còn chạy xe theo Đường 13, với tốc độ 100km/giờ mất khoảng một ngày. Từ Pakse, du khách muốn đến những điểm cần thiết như cao nguyên Bolovens, tỉnh Attapeu, về Gia Lai, Kon Tum (Việt Nam) hoặc muốn đi Campuchia thì chỉ cần đi thêm 40km nữa là đến biên giới.
Từ khi có cầu Hữu nghị Lào – Nhật do Nhật Bản xây dựng bắc qua sông Mekong, đi thêm khoảng hơn 40km là đến Thái Lan, từ đó đi ngược lên phía Bắc qua tỉnh Nong Khai của Thái Lan là trở lại Vientiane (Lào). Do vị trí đặc biệt hấp dẫn này nên du khách thường chọn Pakse làm điểm đến đầu tiên trong tuyến du lịch của mình.
Bên cạnh đường bộ, đường hàng không đến Pakse cũng thuận lợi. Laos Airlines có các chuyến bay trực tiếp hàng ngày. Vietnam Airlines cũng có chuyến bay trực tiếp từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến Pakse.
Hiện nay, tỉnh đang mở rộng sân bay Pakse giai đoạn 2 với trị giá 50 tỷ kíp (gần 6,23 triệu USD) nhằm tiếp nhận các loại máy bay lớn hơn, phục vụ sự gia tăng nhanh chóng của hành khách.
Các điểm du lịch nổi tiếng của Pakse
Cùng với vị trí địa lý thuận lợi, thành phố trẻ này còn là một địa điểm du lịch, kinh tế hấp dẫn của Lào. Nơi đây trước là kinh đô của quốc vương Champasak Bounum, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Lào bị hủy bỏ năm 1946.
Mặc dù hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những giai thoại về sự trị vì hà khắc của vị vua Nam Lào này vẫn còn lưu truyền trong nhân dân, đặc biệt là cuộc sống xa hoa với nhiều cung tần, mỹ nữ mà nhà vua cho bắt từ các làng, bản về để phục vụ.
Nơi ở của quốc vương Bounum đổ bóng xuống dòng Mekong thật thơ mộng. Người dân Pakse thường gọi là nhà có 1.000 cửa sổ. Đến nay, ngôi biệt thự lớn này gần như nguyên vẹn và đang được thành phố khai thác thành khách sạn và điểm du lịch.
Cùng với nơi ở của quốc vương Bounum còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như Cầu hữu nghị Lào – Nhật, Khu thương mại Đào Viêng. Đi xa hơn 40km là Di sản Thế giới Wat Phou…
Ngoài các nơi thăm quan, ẩm thực Pakse cũng rất ngon, đặc biệt là các món cá và tôm càng xanh vô cùng hấp dẫn. Buổi chiều ngồi trong một nhà hàng trên sông ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống phía Tây vô cùng ấn tượng.
Cùng với khách du lịch quốc tế, trong nhiều năm qua, khách du lịch Việt Nam đến Pakse cũng rất nhiều, ước tính khoảng 350.000 người/năm. Các địa phương của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên tăng cường hợp tác với các tỉnh Nam Lào, trong đó Pakse, trong các lĩnh vực như chế biến gỗ, sản xuất đường, phân bón, trồng cây công nghiệp dài ngày và hỗ trợ Công ty Cao su Việt – Lào đóng tại Pakse tập trung khai thác và chế biến cao su đúng kế hoạch.
Ở Pakse, tôi ấn tượng nhất là tình người Pakse, họ rất vui vẻ, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khi cần thiết, đặc biệt họ rất đoàn kết giúp đỡ người Việt Nam. Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Pakse khoảng 5.000 người có công ăn việc làm ổn định, nhiều người đã trở thành doanh nhân nổi tiếng như chị Lê Thị Lượng, Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Đào Hương nổi tiếng khắp cả nước Lào.
Những ngày ở Pakse, chúng tôi như được sống trên quê hương mình, vì ở đây có nhiều người Việt, cũng có nhà hàng Việt, cơm Việt, khách sạn Việt, rửa xe Việt như ở Việt Nam vậy.
Đất nước Lào có nhiều thành phố hấp dẫn về du lịch như Vientiane, Luangprabang, Khu Tam giác vàng… nhưng ai một lần đến Pakse đều có những kỷ niệm khó quên.