Lăng Khải Định – Công trình kiến trúc lăng tẩm độc đáo trên đất Huế
Lăng Khải Định hay còn gọi là Ứng Lăng – Công trình kiến trúc cuối cùng của triều Nguyễn, là sự giao thoa giữa hai nền văn hoá Đông – Tây. Lăng Khải Định phản ánh sở thích xa hoa của nhà vua lúc sinh thời và đó luôn là đề tài tò mò cho hậu thế đời sau. Chỉ cần ngắm lăng Khải Định Huế, ta cũng phần nào thấy được lối sống xa xỉ của vị vua này. Lăng Khải Định được xem là lăng tẩm hội tụ rất nhiều cái “nhất” thu hút khách du lịch, khiến du khách không thể bỏ qua mỗi khi đến thăm vùng đất Cố Đô, là nơi yêu thích của không ít các bạn trẻ khi sở hữu nhiều góc chụp lý tưởng.
Tiểu sử hình thành và vị trí tọa lạc của Lăng Khải Định
Vua Khải Định với tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con trai duy nhất của vua Đồng Khánh, là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Sau khi lên ngôi, ông rất chú trọng đến việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và giới hoàng tộc. Một số cái tên tiêu biểu đó là Điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Chương Đức, Tường An,… Đặc biệt là công trình đồ sộ Ứng Lăng (lăng Khải Định). Đến năm 1925, ông đã băng hà ở tuổi 40 và thời gian trị vì đất nước là 09 năm.
Lăng được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1931, kéo dài hai đời vua: Khải Định và Bảo Đại. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề giỏi và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước, vật liệu xây dựng lăng được chuyển từ Pháp về là chủ yếu. Sự tốn kém đó đã tạo nên một kiệt tác tuyệt mỹ khiến bất cứ ai khi tới tham quan đều không khỏi trầm trồ, thán phục.
>>> Xem thêm: Tour khám phá Huế và thưởng thức đặc sản trên thuyền Rồng
>>> Xem thêm: Lăng Minh Mạng – Nét đẹp cổ xưa, mang đậm bản sắc Nho giáo
Để xây dựng sinh phần cho mình, Khải Định đã tham khảo nhiều tấu trình của các thầy địa lý, cuối cùng đã chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí để xây cất lăng mộ. Nằm cách trung tâm thành phố Huế chỉ 10 km, Lăng Khải Định tọa lạc ở vị trí khá yên tĩnh, thuộc đại phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quy mô và Kiến Trúc Lăng Khải Định
So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn nhiều nhưng thời gian hoàn thành công trình này lại lên tới 11 năm, tốn nhiều công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm Triều Nguyễn. Có thể nói lăng vua Khải Định Huế là công trình nổi bật nhất trong tất cả những lăng tẩm khác nhờ những vật liệu xây dựng tân thời như sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise …được nhà vua cho người sang Pháp nhập về để kiến thiết công trình trên ngọn đồi này.
Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng… kết hợp giữa nét kiến trúc cổ của Việt Nam lẫn tây phương.
Lăng Khải Định có thể gây choáng ngợp cho du khách tham quan, bởi kiến trúc hình khối chữ nhật vươn cao 127 bậc cấp, tổng hợp hài hòa và sự xâm nhập từ nhiều trường phái kiến trúc ngoại quốc như những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo; hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể…
Cung Thiên Định – cung này ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, được xây dựng công phu và tinh xảo. Đây là nơi chôn cất thi hài của vua Khải Định, nơi có thiết kế đặc sắc nhất và có giá trị nghệ thuật nhất cho đến ngày hôm nay. Ba bức bích họa “Cửu Long Ẩn Vân” (chín con rồng ẩn trong mây) lớn vào bậc nhất Việt Nam trên trần của 3 gian nhà giữa hay toàn bộ nội thất trong cung Thiên Định đều được các nghệ nhân tài ba trang trí bằng những phù điêu ghép từ sành sứ và thủy tinh, đá hiếm được nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản… Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện… kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… cũng được trang trí nơi đây.
Trong cung Thiên Định, có hai bức tượng đồng vua Khải Định. Bức tượng bên ngoài, nhà vua mặc đồ binh sĩ Pháp, được đúc tại Việt Nam. Bức tượng trên áng thờ, tỉ lệ 1:1 được đúc tại Pháp năm 1920 bởi hai nghệ nhân người Pháp thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định, dát vàng bởi những nghệ nhân người Huế. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30 m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua.
Một nét đặc biệt khác khiến du khách khi đến thăm lăng Khải Định đều phải trầm trồ là tất cả các chi tiết đều được trang trí bằng nghệ thuật khảm kính sứ. Có thể nói rằng Lăng Khải Định chính là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.
Bởi là một công trình đặc sắc về kiến trúc và mang nhiều giá trị nghệ thuật đáng chiêm ngưỡng vì vậy mà các tour du lịch Huế đều không thể bỏ qua điểm tham quan này. Du khách khắp nơi đến Huế đều đến thăm Ứng Lăng không chỉ bởi vẻ đẹp mà muốn hiểu rõ hơn câu chuyện về lối sống xa hoa của Vua Khải Định – một ông vua triều Nguyễn nổi tiếng với tính ngông của mình.
Danh mục
- Dịch vụ cho thuê xe du lịch
- Du lịch
- Giải đáp Du lịch
- Khám phá du lịch
- Khám phá vùng miền
- Kinh nghiệm chuyến đi
- Tất cả về xe
- Tin tức du lịch
- Vé xe open tour, open bus